Cùi Bắp
bởi Cùi Bắp
9 phút để đọc

Chuyên mục

Tags

Tính tới thời điểm hiện tại, mình cũng đi làm được gần 5 năm, chuyển qua 3 công ty. Sự nghiệp làm dev đó nói ngắn thì ngắn mà dài thì cũng chẳng dài, biết bao nhiêu chuyện, bao nhiêu bài học quý giá mà công việc đã dạy cho mình. Hôm nay, một ngày đẹp trời mình xin phép chia sẻ một suy nghĩ của cá nhân mình, đó là “công việc là nơi giúp bản thân tự trưởng thành”. Làm việc không chỉ để kiếm tiền mà còn giúp bản thân trưởng thành hơn. Trưởng thành ở đây không chỉ là học thêm kỹ năng mới mà còn là sự lớn lên về nhận thức và nhân cách (mặc dù kỹ năng vẫn là điều quan trọng).

Làm việc vượt mong đợi

Khi bắt đầu đi làm, bài học đầu tiên mà mình được học đó là làm việc vượt mong đợi.

Khi đồng nghiệp, khách hàng nhờ bạn làm một việc gì đó, thông thường họ sẽ muốn bạn làm như mong đợi của họ. Nhưng hầu hết họ lại thường không nghĩ tới các tiểu tiết. Ví dụ như khi làm một chức năng xoá 1 bản ghi trên trang web, nếu hiểu một cách đơn giản là click thì có thể vẫn chưa đủ, ở đây ta có thể gợi ý cho khách hàng thêm về một hộp thoại xác nhận lại hành động xoá bản ghi khi click vào đó, việc này vừa giúp người dùng xác nhận lại những thao tác, vừa tránh được nhầm lẫn khi sử dụng.

Nếu hiểu được mục đích thực sự của công việc mình được giao phó, bạn sẽ suy nghĩ đến những điều cần phải làm thêm để vượt qua mong đợi của người đã nhờ bạn. Dù chỉ là một điều nhỏ thôi nhưng đó đã là vượt ngoài mong đợi.

Nghĩ về mục đích khi làm việc

Mỗi khi phỏng vấn ứng viên cho công ty, mình luôn hỏi rất kỹ các ứng viên họ đã làm những gì trong công việc trước đây. Vì làm về IT nên ứng viên nào cũng mang theo portfolio của mình để giới thiệu những trang web, ứng dụng mà họ đã code. Tuy nhiên, khi mình hỏi trang web, ứng dụng này làm ra với mục đích gì thì không mấy ai trả lời được. Có vẻ như nhiều người chỉ đơn giản làm theo chỉ thị của sếp.

Có sự khác biệt giữa kết quả làm việc của những người chỉ làm theo chỉ thị và những người hiểu đúng về mục đích và yêu cầu của công việc. Chỉ khi hiểu được mục đích của công việc, bạn mới suy nghĩ làm sao để thực hiện được công việc được giao và làm nó theo cách tốt nhất có thể.

Hãy hào hứng đặt ra mục tiêu

Đặt ra mục tiêu là một việc rất thử thách, vì bạn phải bỏ ra nhiều công sức hơn, phải đổi mới và cải tiến cũng như sử dụng hiệu quả năng lực của mình để đạt được mục tiêu đề ra. Sẽ là vô nghĩa nếu bạn chán nản và từ bỏ trước khi đạt được mục tiêu của mình. Vì vậy, hãy hào hứng với mục tiêu để không bị áp lực nhé. Khi cảm thấy hào hứng bạn sẽ có thể tiếp tục công việc mà không cảm thấy mệt mỏi.

Xác nhận lại trong giao tiếp

Khi giao tiếp bằng ngoại ngữ, không thể tránh khỏi trường hợp không hiểu hoặc hiểu nhầm ý đối phương. Việc nói lại những gì đã nghe được bằng ngôn ngữ của mình là cách tốt nhất để tránh điều này. Ngoài ra, xác nhận lại còn làm cho đối phương cảm nhận được mình đang cố gắng để hiểu thật rõ ràng quan điểm của họ.

Thói quen báo cáo

Thực sự khi nếu giờ còn chưa đi làm chắc mình cũng không biết báo cáo và lợi ích mà nó đem lại. Mình vẫn thường gặp nhiều trường hợp dù chưa hoàn thành công việc nhưng cứ đến đúng giờ là thản nhiên đi về, ko một lời từ biệt :rofl: Mình nghĩ việc về đúng giờ là tốt, nhưng âm thầm đi về khi chưa xong việc mà không một lời nhắn nhủ là không nên. Ví dụ: một người bạn trong đội chưa làm xong công việc sau khi hết giờ làm nhưng trước khi ra về anh ấy đã báo lại với mình rằng “Tôi vẫn chưa làm xong việc. Lý do vì … Tôi xin phép về trước, sáng mai tôi sẽ cố gắng hoàn thành”. Dù chưa xong nhưng nếu báo cáo lại, thì mọi người sẽ cùng tìm ra được phương án giải quyết. Nếu bạn là người không thể giải quyết khi vấn đề xảy ra nhưng biết báo cáo ngay thì Team Lead của bạn sẽ tin tưởng rằng họ luôn được thông báo khi có sự cố, từ đó bạn lấy được lòng tin và mọi người sẽ yên tâm hơn khi giao việc cho bạn.

Xây dựng và giữ gìn các mối quan hệ

Một ngày có 24h thì hơn 1/3 khoảng thời gian đó bạn dành cho công việc và đó cũng tương ứng thời gian làm việc, giao tiếp với những đồng nghiệp tại công sở. Việc tạo dựng một mối quan hệ tốt nơi công sở không những khiến thời gian làm việc trở nên thoải mái hơn mà còn giúp bạn tạo tiền đề để thành công.

Khi có những tranh chấp hoặc xung đột xảy ra, phải giữ bình tĩnh, hãy cố gắng tôn trọng ý kiến của người khác và giải quyết các mâu thuẫn trong hòa bình.

Cách tận hưởng công việc

Mình có cơ hội làm việc với rất nhiều khách hàng Nhật, và mình cảm thấy người Nhật rất yêu công việc. Trong một lần đi ăn, mình có hỏi khách: Sao mấy ông nội làm việc ác thế, tới tận 11h đêm vẫn chưa về ? Thì ổng ta trả lời một cách rất hoa mỹ :joy:

Bởi vì tôi nghĩ thông qua công việc có thể mang tới điều gì đó cho người khác.

Trong văn hoá Nhật, công việc không chỉ là để kiếm tiền mà còn là mang lại điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Đem lại cho người khác một điều gì đó, làm cho họ vui thì bản thân bạn cũng cảm thấy hạnh phúc. Nếu bạn nhận ra những điều tốt đẹp ngoài tiền bạc này, bạn sẽ yêu thích công việc của mình hơn :kissing_heart:

Nếu bạn đang cảm thấy công việc của mình nhàn chán, thì hãy thử thay đổi và làm việc với suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, mình có thể mang đến cho người khác điều gì đó thông qua công việc.

Kết luận

Trong suốt cuộc đời mình, con người chúng ta dành rất nhiều thời gian cho công việc, nếu như cuộc đời của mỗi người là một cuốn nhật ký nhiều chương, thì ắt hẳn chương kể về “công việc” sẽ để lại rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Nên thật đáng tiếc nếu nghĩ rẳng công việc chỉ là công cụ kiếm tiền, hãy cố gắng làm việc hết mình để sau này đọc lại đó là một chương rất dài, mà ở những ngày tháng đó, chúng ta đã từng nhiệt huyết, đã từng nỗ lực hết mình.

References